Luôn cảm thấy bản thân bận rộn, “đầu tắt mặt tối” nhưng hiệu quả học tập chỉ dừng lại ở mức 20-30%, sinh viên Đại học FPT đã làm gì để chấm dứt tình trạng này.
Khi sự cố gắng chỉ là cảm giác
Nỗ lực là khi chúng ta cố gắng hết sức, chăm chỉ theo đuổi mục tiêu và đam mê của bản thân. Còn “nỗ lực ảo” là khi chúng ta biết mình cần cố gắng nhiều hơn, đặt ra nhiều mục tiêu nhưng lại không kiên trì để làm tốt mà sao nhãng vào những hoạt động khác. Đôi khi là bạn làm đó, nhưng lại thực hiện nó chưa tới nơi tới chốn.
Đặt “dấu chấm” cho “bẫy” nỗ lực ảo
Đạt Danh hiệu Cóc Vàng khối ngành Ngôn ngữ kỳ Fall 2021 và Top 1 Bảng Tiếng Nhật vòng chung kết cơ sở Cuộc thi FPT Edu Nihongoeng 2023 Đại học FPT Hà Nội, thế nhưng cô sinh viên tài năng và nhiệt huyết Ngành Ngôn ngữ Nhật Phan Thị Mỹ Duyên cũng có những khoảng thời gian là “nạn nhân” của nỗ lực ảo.
Cô nàng tâm sự: ” ‘Nỗ lực ảo’ là một thực trạng thường thấy ở các bạn trẻ ngày nay, mình cũng không ngoại lệ. Vì tính cách thích tìm tòi, khám phá mà mình rất tích cực tra cứu, tìm hiểu kiến thức mới qua sách vở, trang web và các hội nhóm trên mạng xã hội. Nhưng chính vì muốn “ôm đồm” nhiều thứ mà mình chưa theo đuổi được điều gì đến tận cùng. Đặc biệt, mình và đa số các bạn sinh viên thường share nhiều tips học tập, bài viết hay ho nhưng rất hiếm khi xem lại.
Mình đang cố gắng chỉnh đốn lại thói quen xấu này bằng cách thu nhỏ phạm vi đầu tư và ưu tiên các vấn đề cần thiết. Nhờ vậy mình có thể dành nhiều tâm sức hơn vào những điều bản thân mong muốn. Ngoài ra, mình bắt đầu quan tâm tới những kiến thức đã “thu nạp” và “gặt hái” qua từng giai đoạn. Như là hôm nay học được kĩ năng mới thì những ngày sau đó mình phải phát triển và bồi dưỡng kĩ năng ấy nhiều hơn thay vì bỏ ngỏ như trước đây. Phải làm sao để mình của ngày hôm nay là phiên bản tốt hơn của ngày hôm qua.”
Cũng giống như phần đông các bạn trẻ khác, Nguyễn Đỗ Thành Long – Chủ nhiệm CLB Broad Game đã trải qua một giai đoạn “sống chung” với “căn bệnh” nỗ lực ảo. Tuy nhiên, sau đó, Long đã “bỏ túi” được kha khá những giải pháp để có thể loại bỏ tình trạng này ra khỏi cuộc sống của mình.
“Thời gian đầu, mình vô cùng chán nản thậm chí nghi ngờ bản thân. Thất bại sau hàng loạt mục tiêu dần trở thành “bóng ma tâm lý” khiến mình nhụt chí và mất dần động lực. Sau đó mình nhận ra bản thân gặp phải tình trạng này là do chưa có mục đích và mục tiêu cụ thể, hoặc chúng ta chưa đủ cố gắng và kiên trì do đó dễ bị sao nhãng bởi những thứ xung quanh.”
Lời khuyên mà Thành Long dành cho những bạn trẻ đang vô tình sống trong nỗ lực ảo là “Hãy hiểu rõ bản thân muốn gì, sau đó kiên trì và nghiêm túc theo đuổi điều mình muốn. Lập một bản kế hoạch và theo dõi tiến độ hoàn thành liên tục. Mình thường thưởng cho bản thân một chuyến đi chơi, một chiếc áo mới hay đơn giản là 1 bộ phim sau khi hoàn thành kế hoạch. Điều đó làm mình hứng thú hơn và có thêm động lực theo đuổi đam mê.
Nói về tình trạng này, Nguyễn Tuấn Anh – Sinh viên năm 3 Chuyên ngành Quan hệ Công chúng thẳng thắn chia sẻ: “Mình đặt quyết tâm hoàn thành chương trình học trên lớp kết hợp đi làm để có thêm kinh nghiệm. Sau một thời gian, mình vô cùng áp lực vì phải cân bằng giữa khối lượng công việc quá lớn tại công ty và kiến thức học tập trên lớp. Mình chán nản, bỏ giữa chừng tất cả mà chưa hoàn thành tốt bất cứ việc nào.
Sau đó mình quyết định để bản thân được thư giãn, làm những điều yêu thích để lấy lại năng lượng. Đồng thời nghe thêm Podcast chia sẻ kĩ năng cần thiết trong học tập, công việc. Mình nhận ra vấn đề nằm ở việc ôm đồm quá nhiều thứ và phân bổ thời gian chưa hợp lý dẫn tới mất động lực. Mình giải quyết bằng cách lên lịch thật chi tiết cho từng khung giờ trong ngày. Tự kỉ luật bản thân phải hoàn thành công việc trong khoảng thời gian đó. Nếu chưa hoàn thành, mình sẽ dừng lại để nhường chỗ cho các công việc tiếp theo. Làm vậy sẽ thúc ép bản thân hoàn thành đúng deadline và tập trung hơn.”
Sắp tới, các bạn sinh viên Đại học FPT Hà Nội sẽ bước vào kỳ Final Exam với nhiều áp lực. Hy vọng những chia sẻ trên sẽ giúp các bạn sinh viên thoát “bẫy” nỗ lực ảo hiệu quả và nhanh chóng.
Phương Thảo
>>> Cùng 2k5 xác định ngành học phù hợp chỉ bằng 1 công thức đơn giản