ĐỜI THAY ĐỔI KHI TA THAY ĐỔI – PHAN TIẾN LỰC | FPTU ALUMNI

Với Phan Tiến Lực, FPTU không đơn giản chỉ là 4 năm Đại học mà chính là mái nhà, là sự trưởng thành và chuyển mình không ngừng nghỉ để kiếm tìm “bản ngã” của chính mình.

Phan Tiến Lực hiện đang làm việc tại FPT Japan. Anh từng là cựu sinh viên khoá 7 ngành Kỹ thuật phần mềm. Trước khi đến với trường F, Tiến Lực chưa từng nghĩ bản thân có thể chạm tay đến thành quả như hiện tại.

Những hình dung chập chững về một “nàng thơ”

Trong những ngày còn đang mơ hồ tìm kiếm một “nàng thơ” để gửi gắm tương lai của bản thân, một cái “duyên” nào đó đã vô tình kéo sự chú ý của mình lại trang thông tin tuyển sinh của FPTU khi ấy. Một ngôi trường với rất nhiều hoạt động ngoại khóa, một nơi có thể giúp bản thân có thêm nhiều trải nghiệm và kỹ năng mềm chính là những hình dung chập chững của mình về “nàng thơ” FPTU. Và mình đã lựa chọn nó, quyết định theo đuổi “tình yêu chớm nở” này”.

FPTU trong lời kể của anh chính là những kỷ niệm một thời sinh viên không bao giờ quên: là tháng quân sự có 1-0-2 trên Xuân Hòa, là những ngày học nhóm, những lần thử “bỏ quên” deadline để chơi game đến sáng cùng các anh em phòng A401, A403, rồi còn cả những ngày thức xuyên đêm để làm đồ án,…

Nhưng tác động lớn nhất đến Tiến Lực ngày đó phải kể đến lần “không may” học lại Nhật sơ cấp 1. “Khi ấy, cô Hoàng NTT- giảng viên dạy tiếng Nhật của mình lúc đó đã đến và nói rằng: “Lực cố gắng lên nhé! Lần này mà học lại nữa là cô sẽ buồn lắm.” Kể từ ấy, mình đã hạ quyết tâm phải chú tâm học tiếng Nhật và kết quả là mình đã qua môn với số điểm 9.5. Hiện tại, sau nhiều năm học tiếng Nhật thì mình đã có thể cầm trên tay tấm bằng N1 nhưng vẫn sẽ tiếp tục hành trình học tiếng Nhật để có thể hoàn thành tốt hơn công việc bản thân đang theo đuổi”.

Cũng nhờ có FPTU…

Ngẫm lại mới thấy chính những gắn bó cùng FJC (FPT Japanese Club) và niềm yêu thích với chuyên ngành JS đã vô tình trở thành “sợi chỉ se duyên” anh chàng sinh viên Phan Tiến Lực với đất nước Nhật Bản mộng mơ. Rời trường Ba chữ, Lực có khoảng thời gian ngắn 6 tháng làm việc ở FPT Software. Sau đó, anh đã lựa chọn thử liều một lần với quyết định vô cùng thách thức là rời Việt Nam để sang Nhật học tập và làm việc.

Từ một cậu học sinh vô tình “bén duyên” với  trường F trải qua những thách thức, những lần “liều mình vượt sóng”, hiện tại anh đang làm việc tại FPT Japan với vị trí là một BrSE (Kỹ sư cầu nối).

Với anh, Đại học FPT chính là bước đệm vững chắc để có thể vững vàng ở vị trí như hiện tại. “Mình có thể vận dụng nhiều thứ được học và trải nghiệm từ mái nhà FPTU nhưng kỹ năng quan trọng nhất bản thân được rèn luyện là khả năng tự học và tự tìm hiểu tài liệu. Đối với công việc liên quan đến CNTT thì khả năng tự học và tìm tòi dữ liệu trên internet là điều vô cùng quan trọng. Thêm vào đó “song ngữ” tiếng Anh và tiếng Nhật cũng chính là “báu vật” mà nhờ có FPTU mình mới có được.”

Học đến nơi, chơi hết mình

Với quan điểm của một cựu sinh viên K7 Software Engineering, Lực cho rằng ngành công nghệ thông tin có nhiều thuận lợi vì hiện tại Việt Nam đang là nước thúc đẩy mạnh về phát triển thương mại điện tử, chuyển đổi số. Việt Nam cũng là nước có tỷ lệ người sử dụng internet khá cao. Nhưng ngược lại, khó khăn cũng không ít khi nhân lực chất lượng cao cho ngành CNTT lại đang thiếu nhiều. Và sinh viên mới ra trường thì cần thêm khá nhiều thời gian đào tạo tại doanh nghiệp thì mới có thể thành thạo với công việc. Sinh viên FU có lợi thế hơn một số trường khác vì khi đi học được thực hành khá nhiều và có thêm kỳ thực tập doanh nghiệp ngay từ năm thứ 3. Vốn ngoại ngữ ổn và kỹ năng mềm cũng là điểm cộng lớn khi đi làm sau khi ra trường.

Bản thân Phan Tiến Lực khi bắt đầu trải nghiệm công việc bên Nhật cũng gặp nhiều thách thức. Anh chàng khá sốc với văn hóa làm việc của họ. Làm gì cũng phải cẩn thận và “đến nơi đến chốn”. OT đến 11h đêm dần dần trở thành chuyện hết sức bình thường. Ngoài ra khi mới đi làm, vốn tiếng Nhật và kinh nghiệm chưa đủ cũng là những khó khăn rất lớn. Chỉ có chăm chỉ trau dồi tiếng Nhật cũng như kiến thức chuyên ngành mới giúp Tiến Lực có thể vượt qua được giai đoạn khó khăn đó.

Phan Tiến Lực hiện đang làm việc tại FPT Japan

Từ những kinh nghiệm của mình, anh nhắn nhủ đến các đàn em – những người vẫn đang miệt mài ngày ngày nơi giảng đường Đại học FPT: “Việc học các kiến thức về chuyên ngành CNTT, tiếng Anh, tiếng Nhật, kỹ năng mềm là việc rất cần thiết nhưng cũng nên cân bằng giữa học và chơi. Bốn năm Đại học thật ra chỉ trong cái chớp mắt nên hãy cố gắng dành thời gian tham gia các câu lạc bộ, các hoạt động ngoại khóa, cháy hết mình với các sự kiện,… Chỉ có vậy, khi nhớ về, trường F mới thật sự là một kỷ niệm trọn vẹn“.

Mỹ Duyên

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *