Tổng quan về chuyên ngành Quản trị Du lịch và Lữ hành thuộc ngành Quản trị Kinh doanh
Chương trình đào tạo ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành của Đại học FPT được thiết kế dựa vào tiêu chuẩn nghề du lịch Việt Nam (VTOS) và Thông tư 07/2015/TT- BGDĐT.
VTOS là những tiêu chuẩn thực hiện công việc cần phải đạt được và những kiến thức và kỹ năng cần thiết để thực hiện công việc một cách hiệu quả. Bộ tiêu chuẩn phiên bản mới được xây dựng dựa trên sáu lĩnh vực nghề chính đã được xây dựng từ Dự án trước là Lễ tân, Phục vụ buồng, Phục vụ nhà hàng, Chế biến món ăn, Điều hành Du lịch & Đại lý lữ hành và Hướng dẫn du lịch.
Thông tư 07 ban hành quy định về khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp đối với mỗi trình độ đào tạo của giáo dục đại học và quy trình xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.
Trong quá trình xây dựng chương trình đào tạo (CTĐT), chúng tôi có tham khảo CTĐT ngành dịch vụ du lịch và lữ hành của các trường trong và ngoài nước bao gồm: Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (HN), Đại học Hoa Sen (HCM), Đại học Taylor (Malaysia) và Đại học APU ((Malaysia)
Địa điểm học: Tp. HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ
Mục tiêu đào tạo:
Theo học chuyên ngành Quản trị du lịch và lữ hành, sinh viên có cơ hội nghiên cứu và tìm hiểu về địa lý du lịch, văn hóa, tâm lý và tập quán của du khách trong nước và quốc tế, các nghiệp vụ về hướng dẫn du lịch, thiết kế tour, quản lý và điều hành tour, thiết kế và quản trị sự kiện du lịch. Ngoài ra, sinh viên chuyên ngành Quản trị du lịch và lữ hành còn được cung cấp các hướng chuyên sâu: Quản trị lữ hành, Hướng dẫn du lịch, và Quản trị sự kiện.
Chương trình hướng đến 3 giá trị khác biệt: Du lịch bền vững, Học tập qua dự án (PBL) và Ứng dụng công nghệ thông tin trong du lịch và lữ hành.
- Hướng đến du lịch bền vững trong đó người làm du lịch không chỉ tập trung vào việc bảo vệ môi trường mà còn tập trung vào việc duy trì những văn hóa của địa phương và đảm bảo việc phát triển kinh tế, mang lại lợi ích công bằng cho các nhóm đối tượng tham gia. Cụ thể giúp những người làm du lịch tương lại từ khi ngồi ghế trên nhà trường đã có ý thức về việc khai thác tài nguyên du lịch theo hướng phát triển bền vững và lâu dài.
- Bằng cách tiếp cận cách học theo hướng học tập qua dự án PBL (Project based learning), chương trình hướng sinh viên đến việc tiếp cận trải nghiệm các dự án thực tế về tác nghiệp và điều hành trong lĩnh vực dịch vụ du lịch và lữ hành.Đồng thời, sinh viên cũng có thể ứng dụng các nguyên tắc và công cụ được học để giải quyết các vấn đề thực tế một cách bài bản, linh hoạt và chuyên nghiệp.
- Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức và xúc tiến du lịch thực sự là một cơ hội lớn để quảng bá vẻ cuốn hút, hấp dẫn, độc đáo của sản phẩm du lịch trong nước, đưa những thông tin trực quan về du lịch Việt Nam đến với du khách nói chung và du khách quốc tế nói riêng trước khi họ đến thăm Việt Nam trên thực tế.