Chương trình với sự tham gia của các khách mời là chị Trần Phượng – CEO Cova media; chị Trần Thị Thuỳ Linh – người sáng lập, điều hành Happy Coach; Anh Phạm Thái Hoàng – CEO EzA Việt Nam và chị Phạm Tuyết Hạnh Hà – Trưởng phòng Công tác sinh viên, Đại học FPT.
Tại đây, các diễn giả đã lắng nghe và chia sẻ những điều cần thiết để có bản CV ấn tượng và tham gia phỏng vấn hiệu quả. Đồng thời, chương trình còn cung cấp cho SV những chỉ dẫn “sống sót” trong suốt 4 tháng của kỳ thực tập tại doanh nghiệp.
Cựu sinh viên khoá 2 – Kỹ thuật phần mềm, anh Phạm Thái Hoàng hiện là CEO EzA Việt Nam chia sẻ: “hôm nay như gặp lại hình ảnh chính mình thời sinh viên với biết bao câu hỏi, suy nghĩ cần giải đáp trước kì OJT (học trong doanh nghiệp) nên giờ Hoàng muốn truyền hết tất cả kinh nghiệm, chia sẻ cho các bạn sv để không bị lặp lại những lỗi mình gặp phải trước đó…”
Anh Phạm Thái Hoàng cũng nhấn mạnh khi tư vấn cho các bạn sinh viên về cách chinh phục nhà tuyển dụng ngay ở vòng CV. “CV không đơn giản là một tờ giấy, nó có thể là một kho dữ liệu, là những bài viết tâm huyết của bạn trong quá trình của mình. Việc cần là bạn cần tạo ra điểm khác biệt ngay từ CV của mình. Thay vì lên các trang như TopCV làm theo 1 form có sẵn thì các bạn cũng có thể tự tạo CV cho chính mình…”
Tham gia Coaching, các bạn sinh viên được thoải mái thể hiện mình, đưa ra câu hỏi và được các khách mời giải đáp nhanh gọn, hiệu quả nhất.
Nguyễn Quốc Đạt – K11 Kỹ thuật phần mềm tỏ ra đã sẵn sang cho kì thực tập sắp tới: “Sau buổi coachinh hôm nay em thấy khá thoải mái. Những lo sợ trước đây của em về kì thực tập được tháo gỡ, những câu hỏi thắc mắc của em được khách mời giải đáp tỉ mỉ. Em nghĩ đó là những câu trả lời tốt nhất dành cho mình.”
Là một người có kinh nghiệm trong lĩnh vực tuyển dụng và có cơ hội được tiếp xúc trực tiếp với sinh viên FPT, Trần Thị Thuỳ Linh – người sáng lập, điều hành Happy Coach chia sẻ: “Nhà tuyển dụng quan tâm tới 3 yếu tố: Bạn đam mê với nghề nghiệp hay chỉ cần công việc để làm; tố chất của bạn có phù hợp để đi lâu dài với nghề hay không; độ sẵn lòng với công việc của bạn thế nào? Nếu bạn đáp ứng được 3 yếu tố này thì dù bạn apply vào bất cứ nơi nào bạn cũng sẽ được chào đón.”
Chị Thuỳ Linh cũng góp ý, các bạn sinh viên nên để ý tới project trong CV. Các bạn cũng không nên xem thường project cấp lớp. Không có gì là nhỏ hay lớn mà quan trọng bạn đã làm với ai, làm được gì, kết quả ra sao. Đôi khi có thể project thất bại nhưng bạn đã tích thu được những bài học gì đó cũng là thành công. Nhà tuyển dụng đánh giá cao bài học ấy.
Buổi coaching cho thấy, các bạn sinh viên có nhiều mối quan tâm, trong đó câu hỏi được các bạn đặt ra nhiều nhất là làm thế nào để chinh phục nhà tuyển dụng. Không những thế, nhiều bạn sinh viên năm nhất cũng mong muốn được định hướng chuyên ngành, định hướng công việc sau này.
Dù mới chỉ là sinh viên năm nhất ngành Ngôn ngữ Nhật nhưng Trần Lê Trang đã đăng kí tham gia coaching lần này với mong muốn được định hướng rõ ràng hơn về công việc sau này. “Sau buổi hôm nay em nhận được mình có cách nhìn đúng về ngành nghề mình đang theo đuổi. Em được chỉ ra những phương pháp để tiếp cận mục tiêu, học hỏi kinh nghiệm từ người đi trước.”
Với những giải đáp, hỗ trợ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm của các khách mời, sinh viên Đại học FPT vững tin với hành trang của mình để bước vào kì OJT chủ động, thành công hơn.