Tự kiến tạo kiến thức
Học kiến thức ở bậc ĐH, việc dạy đọc - chép theo phương pháp truyền thống dễ làm phát sinh trường hợp sinh viên chỉ cặm cụi ghi bài mà không hiểu giảng viên nói gì, hoặc vừa ghi vừa suy nghĩ mông lung về bài giảng, dẫn tới lãng phí về thời gian và sức lực của cả người giảng - người nghe.
Trong khi đó, với phương pháp học tập kiến tạo, giảng viên sẽ nghiên cứu và đưa ra một bộ câu hỏi kiến tạo, có tính chất gợi mở vấn. Sinh viên được khuyến khích chủ động tìm hiểu, trao đổi, tương tác với bạn bè và thầy cô giáo để xây dựng kiến thức. Sử dụng các ứng dụng CNTT như EduNext, xem video clip, chơi game tương tác... cũng khiến sinh viên Đại học FPT hào hứng tham gia vào giờ học kiến tạo hơn. Bằng cách này, giảng viên sẽ đóng vai trò là người hướng dẫn, bổ trợ chứ không áp đặt kiến thức. Cùng với đó, sinh viên cũng sẽ chủ động tư duy, tự kiến tạo kiến thức theo những cách riêng.
Hiểu sâu và thường xuyên ôn lại
Bản chất của phương pháp Constructivism đó là người học chủ động xây dựng hiểu biết cho bản thân, tiếp nhận kiến thức mới trên cơ sở vận dụng những kiến thức đã có.
Trong quá trình dạy học kiến tạo, giảng viên Đại học FPT sẽ tạo điều kiện tối đa để sinh viên khai thác vốn kiến thức, kinh nghiệm sẵn có của mình, từ đó cảm thấy hứng thú hơn, chủ động hơn trong các hoạt động học tập. Nhờ vậy, hệ thống kiến thức sẽ thường xuyên được đào sâu, kết nối và vận dụng trong thực tế, tránh bị quên lãng.
Học với thái độ tích cực
Phương pháp Constructivism lấy sinh viên làm trung tâm, là chủ thể chủ động và tích cực trong việc kiến tạo kiến thức. “Buổi đầu mới tiếp cận với phương pháp Constructivism, nhiều sinh viên cũng hơi "choáng" do phải tự tìm hiểu nhiều kiến thức, nghiên cứu tài liệu trước khi đến lớp. Tuy nhiên, sau một thời gian làm quen thì các bạn đều rất hồ hởi và nhận thấy được hiệu quả của phương pháp này. Bộ câu hỏi kiến tạo không nhất thiết phải bao phủ hết nội dung của bài học nhưng đó lại là những câu hỏi mang tính cốt lõi, nếu sinh viên muốn trả lời tốt những câu đó thì phải đọc hết tất cả những kiến thức liên quan, thành ra không phủ mà vẫn phủ.
Việc trình bày lại các kiến thức đã tìm hiểu trước ở nhà cũng như thông qua hoạt động hỏi đáp với các nhóm khác cũng giúp sinh viên có cái nhìn đa chiều, hiểu sâu hơn về bài học. Bên cạnh đó, qua việc tìm tòi trao đổi và thảo luận về bài học, phương pháp Constructivism còn giúp sinh viên Đại học FPT bồi dưỡng những kỹ năng mềm đặc biệt quan trọng như làm việc nhóm, tư duy phản biện, hợp tác, giao tiếp, hùng biện và phát triển tư duy sáng tạo.” - Thầy Đặng Quang Hiển (Giảng viên Đại học FPT Đà Nẵng) chia sẻ.
Theo FPT Edu