Câu 4 là câu vận dụng cao, yêu cầu thí sinh rút ra bài học về lẽ sống cho bản thân từ những suy ngẫm của tác giả Anh Ngọc trong dòng thơ “Ai cũng đi qua cơn giông của riêng mình”. Câu hỏi này đòi hỏi thí sinh trước hết phải hiểu được những tầng nghĩa hàm ẩn của hình ảnh “cơn giông”; liên tưởng và suy nghĩ nghiêm túc về những “cơn giông của riêng mình” từ sự gợi ý có thể nhận được bởi những suy ngẫm của nhà thơ Anh Ngọc. Đây là câu hỏi đáp ứng tốt yêu cầu ở mức độ vận dụng cao, giúp thí sinh thể hiện được quan điểm, chính kiến của mình về cách nghĩ, cách sống giữa một cuộc sống đầy biến động.
“Nhìn chung, phần Đọc hiểu khá vừa sức với thí sinh”- cô Trịnh Thu Tuyết nhận định.

Câu 1 của Phần II đưa ra một vấn đề rất thiết thực với bất kỳ lứa tuổi nào trong cuộc sống, nhưng đặc biệt là tuổi trẻ, khi các em có nhiều nhiệt tình, khát vọng…nhưng có thể còn mỏng về kinh nghiệm, về kỹ năng sống và vì thế dễ bị những cảm xúc tiêu cực chi phối. Tính thiết thực của vấn đề nghị luận có thể giúp tìm ra những điểm sáng trong bài làm của thí sinh. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề khá trừu tượng và tính thiết thực của việc cân bằng cảm xúc trong thực tế cuộc sống luôn là không dễ dàng với bất kỳ ai; do đó với một bộ phận không nhỏ các thí sinh, câu hỏi này rất khó để các em đạt được điểm tối đa. “Nhưng nhìn ở một góc độ khác, thì câu hỏi này đã góp phần tạo ra tính phân loại tương đối rõ rệt cho bài làm của thí sinh” – TS Trịnh Thu Tuyết đánh giá.
Ở câu nhiều điểm nhất của đề, câu 2 (5,0 điểm), với ngữ liệu nghị luận là đoạn kết mang âm hưởng tươi sáng của sự đổi đời, của cuộc sống ấm no – sự tươi sáng dù mới chỉ thấp thoáng hiện ra qua câu chuyện của 3 mẹ con Tràng, qua cảm giác “tiếc rẻ vẩn vơ” của Tràng và đặc biệt qua hình ảnh “lá cờ đỏ bay phấp phới” ở cuối truyện, thí sinh hoàn toàn có thể tích hợp yêu cầu của hai câu lệnh bởi khi các em phân tích đoạn trích với những chi tiết miêu tả lời nói, thái độ, tâm trạng…của các nhân vật thì cũng đồng thời phải đề cập đến cách nhìn tích cực của nhà văn Kim Lân với cuộc sống và số phận con người trong nạn đói khủng khiếp 1945. Điều này sẽ giúp cho những thí sinh có năng lực tư duy tốt có thể thực hiện tích hợp hai yêu cầu của đề, tránh được sự trùng lặp những nội dung đã phân tích.

Cảm nhận về đề thi môn Ngữ văn THPT Quốc gia năm nay, em Lê Thị Ngọc Huyền – học sinh Lớp 12D2 trường THPT Số 1 Lào Cai cho biết: “Đề thi văn năm nay khá vừa sức và sát với đề minh họa. Phần Nghị luận xã hội tuy hơi trừu tượng nhưng lại gắn liền với chủ đề nổi cộm những năm gần đây. Vì sau đại dịch Covid-19, mọi người bắt đầu quan tâm rất nhiều đến việc cân bằng cảm xúc và sức khỏe tinh thần. Em đánh giá phần Nghị luận xã hội có thể hơi khó với học sinh lớp 12, tuy nhiên đây là cơ hội rất tốt để phân loại học sinh.”
Em Lý Trần Kiên (trường THPT Nguyễn Tất Thành) – thí sinh đầu tiên ra khỏi phòng thi tại điểm trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam nhận xét: “Theo em đánh giá, đề vừa sức, câu cuối cùng có tính phân loại học sinh. Em làm bài được khoảng hơn 80%, hy vọng sẽ được 8,5 điểm”.